Wednesday, February 13, 2013                       trang chính  ||    lưu trữ    ||   liên lạc

10 tháng 2 năm 2013 : 83 năm cuộc Khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ

Published on February 11, 2013 · No Comments

Cách nay 83 năm, vào ngày 10 tháng 2 năm 1930, cuộc Khởi nghĩa Yên Bái (chính tả cũ : Khởi-nghĩa Yên-Báy) do Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức và lãnh đạo quần chúng đã nổ ra tại tỉnh lị Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái) rồi nhanh chóng lan ra toàn miền Bắc. Mục đích của cuộc khởi nghĩa là chấm dứt giai đoạn hoạt động nửa công khai của Việt Nam Quốc dân Đảng (thành lập ngày 25 tháng 12 năm 1927 tại Hà Nội), đánh đổ ách cai trị thực dân – phong kiến đã lỗi thời và tiến tới xây dựng chính thể Dân quốc Cộng hòa. Mặc dù cuộc khởi nghĩa gây được sức lan tỏa nhanh chóng và khiến chính quyền thực dân trở tay không kịp, nhưng do khâu tổ chức chưa hoàn bị và lực lượng chỉ huy quân sự còn thiếu kinh nghiệm tác chiến nên đến ngày 27 tháng 2 cùng năm thì các yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng lần lượt bị bắt và xử giảo, khởi nghĩa chấm dứt. Nhân ngày giỗ lần thứ 83 các nghĩa sĩ Yên Bái, thế hệ ngày hôm nay bày tỏ niềm tri ân tiền nhân, hy sinh vì Tổ quốc – vì nhân sinh luôn là cái chết cao đẹp. Tên tuổi của họ sống mãi với non sông Việt Nam, còn vang vọng như câu nói của lãnh tụ Nguyễn Thái Học : “Không thành công cũng thành nhân !“. Ai về Yên Bái, xin ghé thăm nơi an nghỉ của những nghĩa sĩ quyết tử năm nao…

Bài thơ Ngày tang Yên Bái của Đằng Phương (bút danh của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy – lãnh tụ Đảng Tân Đại Việt), được in trong Quốc văn giáo khoa thư :

Việt Nam muôn năm ! Việt Nam muôn năm !
Trong bình minh sương lạnh phủ âm thầm.
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt.
Toan lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.

Gió căm hờn rền rỉ tiếng gào than.
Từ lưng trời, sương trắng rủ màn tang.
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Bái âu sầu và lặng lẽ,
Giữa mấy hàng gươm súng tỏa hào quang,
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài Danh Dự :
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ,
Vài cụ già đầu bạc lệ ràn rơi
Ngất người sau tiếng rú : Ối con ơi !
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khóe mắt đã từng khinh đau đớn
Của những trang anh kiệt sắp lìa đời,
Nhưng chỉ trong giây phút vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước.
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước,
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường,
Éo le thay ! muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến.
Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến.
Sau cái nhìn chào non nước bi ai,
Họ thản nhiên, lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng.
“Việt Nam muôn năm !” Một đầu rơi rụng,
“Việt Nam muôn năm !” Người kế tiến lên.
Và Tử Thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc,
Sau Đức Chính, đây là phiên Thái Học,
Anh nghiêng mình trước xác những anh em,
Rồi mỉm cười, Anh ngảnh mặt nhìn xem
Những kẻ đến quan chiêm đoàn liệt sĩ
Để từ biệt những bạn đồng tâm chí.
Tiếng tung hô bỗng nổi, vang trời cao,
Nhưng liền theo Anh đã bị xô vào
Chiếc gươm máy giăng tay chào, lặng lẽ.
Đao xuống, đầu rơi, máu đào tung tóe.
Người anh hùng nước Việt thôi còn đâu !
Lũ thực dân giám sát đứng nhìn nhau
Như trút sạch hết những điều lo ngại
Và xoa tay chúng thở dài khoan khoái,
Trong rừng người ứa lệ, Nguyễn Thị Giang
Nén nỗi đau như cắt xé can tràng
Đứng ngơ ngác lặng người bên Hữu Cảnh.
Trong nắng sớm, gió căm hờn quát mạnh
Như thề cùng những tử sĩ anh linh
Vang dội cùng trên đất Việt điêu linh
Những tiếng thét uy hùng vì giống Việt.

Việt Nam muôn năm ! Việt Nam muôn năm !
Như tan trong gió mạnh khóc vang rầm
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt
Cố lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.

Thân anh hùng đã nát dưới ngàn cây
Nhưng tiếng hô còn phảng phất đâu đây,
Mười lăm năm sau ngày sầu Yên Bái,
Toàn thể giống Tiên Rồng cùng đứng dậy,
Cố đuổi loài tham bạo khỏi non sông,
Hơn hai năm đất Việt máu pha hồng
Mà chiến sĩ vẫn một lòng cương quyết
Thề tranh đấu đến khi nào nước Việt
Được hoàn toàn độc lập mới ngừng tay.
Thế là dòng máu vọt dưới trời mây
Một buổi sáng mười lăm năm về trước
Đã vẽ được cảnh anh hùng nguyện ước.
Đưa non sông ra khỏi chốn u trầm
Cả toàn dân nước Việt đến muôn năm
Vẫn ghi tạc trong tâm ngày hôm ấy,
Ngày hôm ấy, ôi ! ngày tang Yên Bái !

Việt Nam muôn năm ! Việt Nam muôn năm !
Xé nát màn sương lạnh phủ âm thầm,
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt
Đã lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.

Bài thơ Khóc Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống :

Nhục mấy trùng cao, ách mấy trùng.
Thương đời không lẽ đứng mà trông.
Quyết quăng nghiên bút xoay gươm súng,
Ðâu chịu râu mày thẹn núi sông.
Người dẫu chết đi, lòng vẫn sống,
Việc dù hỏng nữa, tội là công.
Nhớ anh nhớ lúc khi lâm biệt ;
Cười khóc canh khuya chén rượu nồng.

Xem thêm :
Khúc tráng ca về Khởi nghĩa Yên Bái

Xem tin nguồn: http://ttxva.org/ky-niem-khoi-nghia-yen-bai-2013/#ixzz2KYKrWnJv
Follow us: thongtanxavanganh on Facebook

               Đính kèm các hình ảnh và tư liệu: